Tại triều đình Henry VIII Anne_Boleyn

Được nhà vua chú ý

Vào khoảng năm 1522, Anne Boleyn đã được cha mình gọi về để kết hôn với James Butler, một họ hàng của cha bà là Thomas Boleyn và lớn hơn bà vài tuổi đang phục vụ tại triều đình Anh. Cuộc hôn nhân này của Anne được cho là từ mong muốn của Thomas khi dòm ngó tài sản và tước hiệu của vùng Ormond, vì James Butler là người thừa kế của nhà Butler, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của nhân vật quyền lực là Hồng y Thomas Wolsey. Khi Bá tước Ormond thứ 7 qua đời, tài sản đều chia đều cho hai người con gái của ông là Lady Margaret Butler cùng Anne St Leger. Tại Ireland, cháu cố của Bá tước thứ 3, Piers Butler, đã lấy quyền thừa kế tước vị và trở thành Bá tước Ormond thứ 8 và lấy đi tòa Lâu đài Kilkenny theo truyền thống của các Bá tước Ormond.

Cha của Anne là Sir Thomas Boleyn, con trai của Margaret Butler, cảm thấy mình là dòng trưởng và có quyền thừa kế tước hiệu một cách chính đáng, bèn lên tiếng với anh vợ mình là Công tước Norfolk, và Công tước Norfolk đã đem việc này tâu lên Vua Henry VIII. Đối diện với chuyện này, nhà vua cảm thấy nếu làm căng thẳng thì sẽ gây ra một cuộc nội chiến ở Ireland, do đó sắp xếp cho con trai của Piers là James kết hôn với con gái của Thomas là Anne Boleyn, khi kết hôn thì Anne sẽ đem tài sản thừa kế của Ormond như của hồi môn của mình. Tuy nhiên việc điều đình này thất bại mà không rõ lý do, có lẽ vì Sir Thomas Boleyn muốn con gái mình có một cuộc hôn nhân triển vọng hơn.

Bức tranh khoảng thế kỉ 20, vẽ về cuộc đi săn của Vua Henry VIII và Anne Boleyn.

Trước đó vài năm, chị gái của bà là Mary Boleyn đã được Sir Thomas Boleyn gọi về sau những bê bối tình dục tại Pháp, và bà kết hôn với Wlilliam Carey, xuất thân từ một gia đình thương nhân giàu có, cả hai kết hôn tại Greenwich, trong một buổi tiệc mà Henry VIII tham dự trực tiếp. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Mary trở thành tình nhân của nhà vua, và người ta nghi ngờ rằng 2 người con họ Carey của Mary chính là con của Henry VIII. Dù vậy, nhà vua đã không công nhận tin tức này, khác hẳn với việc ông công nhận Henry Fitzroy, đứa con hoang của ông với phu nhân Elizabeth Blount. Ngày 4 tháng 3 năm 1522, Anne lần đầu xuất hiện trước công chúng tại Château Vert, một bữa tiệc tôn vinh ngài Đại sứ hoàng gia từ Thánh chế La Mã, bà được diễn vai "Perseverance" trong một vở nhạc kịch[22]. Tại lúc ấy, Anne tham gia vào đoàn vũ công múa phụ cho Công chúa Mary, em gái của nhà vua. Tất cả bọn họ đều diện trang phục bằng vải xa tanh được viền bằng chỉ vàng[23], và Anne Boleyn được nói rằng đã rất nổi bật với phong thái tự tin và thời trang rực rỡ của mình so với những người phụ nữ khác. Vào lúc đó vô số thiếu niên trẻ tuổi say đắm bà[24].

Nhà sử học người Mỹ là Retha M. Warnicke đã tả về Anne như sau: ["Một quý cô nương hoàn mỹ... Cô ấy có dáng điệu uyển chuyển, với bộ trang phục Pháp vừa sành điệu vừa thích mắt. Cô dễ dàng thực hiện những điệu nhảy, giọng hát thon thả, điệu luyện trên các dây đàn Lute cùng một số nhạc cụ khác cùng sự trôi chảy khi cất lên tiếng Pháp... Một quý cô nương trẻ phi thường, với bộ óc thông minh và nhạy bén. Những điều trên đã thu hút vô số người đến trò chuyện với cô, sau đó bản thân họ bị lừa phỉnh và ngớ ngẩn trước những trò đùa cợt của cô. Tóm lại, sự nổi trội và hấp dẫn của cô khiến cô luôn là trung tâm của công chúng"]. Nhà lý lịch học về vua Henry VIII là J. J. Scarisbrick đã mô tả Anne "đắm chìm" trong sự tán dương dành cho bà[25]. Trong khoảng thời gian này, Anne được lên kế hoạch đính hôn với Henry Percy, con trai của ngài Bá tước Northumberland quyền lực và giàu có bậc nhất nước Anh. Vị trợ giáo của Thomas Wolsey, George Cavendish, duy trì rằng cả hai vẫn chưa là người yêu.

Thế nhưng, cuộc đính hôn này bị tan vỡ khi cha của Percy là ngài Bá tước Northumberland phản đối, dẫn theo việc Hồng y Wolsey cũng phản đối vì nhiều nguyên nhân chưa rõ ràng. Theo Cavendish, Anne đã bị gửi từ triều đình về các trang viên mà gia đình Boleyn sở hữu, nhưng không rõ là trong bao lâu. Sau đó Anne lại được trở về triều, lần này với vị trí Thị tùng cho Vương hậu Catherine xứ Aragon. Henry Percy sau đó kết hôn với Lady Mary Talbot, vị hôn thê mà Percy được đính ước ngay từ khi vị thành niên. Trong lúc này, Anne đã làm bạn với Thomas Wyatt, nhà thơ vĩ đại nhất thời Tudor.

Năm 1526, Henry VIII bắt đầu bị thu hút bởi Anne Boleyn và tiến hành quá trình ve vãn bà. Trong nền giáo dục và môi trường sống tại Pháp, Anne đã rất điêu luyện trong chuyện tiếp xúc và giao tiếp tán tỉnh của giới thành viên triều đình, và điều này khiến cho Henry VIII càng bị Anne mê mệt. Người ta tin rằng Anne đã kháng cự mời gọi của nhà vua vì không muốn trở thành tình nhân như chị mình, bà thường đến Lâu đài Hever để tránh sự dòm ngó của nhà vua. Tuy nhiên chỉ trong vòng 1 năm sau, nhà vua ngỏ lời cầu hôn và Anne chấp nhận, cả hai đều tự tin rằng việc nhà vua ly hôn với Catherine chỉ là vấn đề nhỏ. Không có bằng chứng nào cho thấy cả hai đã quan hệ tình dục trong thời gian này, đặc biệt từ những lá thư tình mà Henry viết cho Anne, cho thấy rõ cả hai đều trông mong chính thức kết hôn để ["hoàn thiện về tâm hồn"], ám chỉ việc cả hai đợi khi kết hôn chính thức mới chấp nhận thể xác.

  • Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Anne Boleyn và Henry VIII, vẽ bởi Daniel Maclise vào khoảng năm 1836
  • Henry VIII, Anne Boleyn và Hồng y Wolsey, vẽ bởi Karl Theodor von Piloty, khoảng năm 1886
  • Anne Boleyn đánh bài với Vương hậu Catherine xứ Aragon, vẽ bởi William Maw Egley vào năm 1852, dựa theo chuyện kể từ George Wyatt

Cuộc ly hôn của Henry VIII

Catherine xứ Aragon, Vương hậu nước Anh. Bà từng là vợ của Arthur - anh ruột của Vua Henry.

Ly hôn, trong ngôn ngữ Việt Nam hiện tại chỉ đến người chồng và người vợ đã hết hiệu lực về hôn nhân trên pháp lý và tiến hành chia tài sản. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Anh, tuy cùng được dịch thành ly hôn hay hủy hôn, nhưng ["Annulment"] rất khác so với ["Divorce"]. Theo "Annulment", thì hôn nhân giữa hai người đã bị xem là không tồn tại, những người con của hai người sẽ bị xem là con ngoại hôn, còn "Divorce" lại xem cả hai đã từng kết hôn và chỉ thực hiện việc phân ly tài sản cùng nghĩa vụ chăm sóc con cái, những người con từ "Divorce" vẫn được xem là con hợp pháp của một hay cả hai người. Và trong trường hợp của Henry VIII, nhà vua muốn "Annulment" cuộc hôn nhân với Catherine xứ Aragon, khiến cho con của hai người, Mary, sẽ thành con ngoại hôn (nói thô tục là con hoang) nếu thực sự được chấp nhận.

Trước khi Henrry VII, cha của Vua Henry, thành công lên ngôi và lập ra nhà Tudor, thì nước Anh đã bị cuốn vào Chiến tranh Hoa Hồng vì vấn đề kế vị. Ông và Catherine không có người con trai nào hợp pháp, ngoại trừ con gái lớn Mary. Trước đó, Catherine đến Anh để kết hôn với anh trai của Vua Henry là Arthur, Thân vương xứ Wales, nhưng Arthur qua đời không lâu sau đó. Và vì Tây Ban Nha và nước Anh cần xác định liên minh, nên Catherine đã tái hôn với Henry dưới sự sắp xếp của Giáo hoàng Julius II, với lời tuyên bố Catherine vẫn còn là trinh nữ. Sau nhiều năm, Vua Henry mệt mỏi vì Catherine không thể sinh cho ông một người con trai để kế thừa, khiến ông dõi mắt tìm kiếm một khả năng khác để có được điều đó: hủy hôn với Catherine và tự do tái hôn. Việc Anne từ chối ông, càng khiến cho Vua Henry cảm thấy Giáo hoàng không xứng đáng thống trị thông qua Kinh Thánh, và đổ lỗi rằng cuộc hôn nhân giữa ông và Catherine là tội lỗi, một tội lỗi nghiêm trọng khiến cho ông không thể có con trai và được lấp liếm bằng sự sa đọa của Giáo hoàng thành La Mã. Việc Vua Henry muốn hủy hôn, và chất vấn Giáo hoàng Clement VII cho tội lỗi của Giáo hoàng Julius II đã khiến cho vấn đề muốn ly hôn của ông thêm phức tạp. Lịch sử gọi đấy là 「King's Great Matter」, hay "Đại sự của nhà vua".

Khi đó, Anne Boleyn nhận thấy cơ hội của mình trong vấn đề này. Trong suốt thời gian cặp kè mà không có quan hệ xác thịt với Vua Henry, bà quả quyết rằng chỉ ngã vào vòng tay của ông, nếu ông có thể để bà làm Vương hậu. Theo đó, bà bắt đầu tham dự cùng nhà vua trong các vấn đề ngoại giao và quản lý đất nước, trừ việc chăn gối, thứ mà Anne Boleyn gìn giữ đến khi có thể chính thức thành hôn. Các nhà sử học và giáo sư có nhiều nhận định khác nhau về vai trò của Anne Boleyn trong quá trình Cải cách Kháng nghị diễn ra ở nước Anh, cũng như tham vọng của bà có ảnh hưởng thế nào khiến Vua Henry muốn quay lưng với Giáo hội Công giáo La Mã. Có một giai thoại được lưu truyền khởi nguồn bởi George Wyatt, được xác minh qua Thị tùng từng phục vụ Anne là Anne Gainsford. Lúc đó, Anne Boleyn đem cho nhà vua một quyển sổ nhỏ mang tính dị giáo, có lẽ là cuốn The Obedience of a Christian Man của William Tyndale, hoặc Supplication for Beggars của Simon Fish, kêu gọi các vị quân vương hãy thoát khỏi gông cùm của Giáo hội Công giáo đầy nhục dục và ma quỷ. Anne Boleyn đã rất cảm thông với khát vọng cải cách lại "Giáo hội mục rữa" này, và tích cực ảnh hưởng lên các học giả để dịch lại và truyền bá những quyển sách này. Theo Maria Dowling, Anne Boleyn đã cố giáo dục lại các Thị tùng của bà dựa vào những đức tính chuẩn mực của Kinh thánh, thậm chí Anne được tin là đã mắng mỏ người họ hàng Madge Shelton vì đã viết những dòng vớ vẩn trong sách Thánh của mình[26].

Vào năm 1528, một dịch bệnh hoành hành khắp nước Anh với mức độ nghiêm trọng. Tại London, triều đình của Vua Henry phải giải tán do số người chết ngày càng tăng, nhà vua liên tục chuyển chỗ, còn Anne Boleyn thì đến Lâu đài Hever của dòng họ Boleyn. Nhưng ở Hever bệnh dịch vẫn lan đến, Anne vài người bị dính phải, và vì bị nhiễm nặng bởi bệnh này mà anh rể của bà, William Carey, qua đời không lâu sau đó. Biết được tin này, Vua Henry phái viên ngự y của riêng ông đến Hever để chăm sóc Anne, và sau đó thì Anne đã hồi phục. Đây được coi là một minh chứng cho thấy Vua Henry đã rất quyết tâm trong việc ly hôn với Catherine. Trước đó, William Knight, thư ký riêng của nhà vua đã được gửi đến hỏi Giáo hoàng Clement VII về việc hủy hôn với Catherine bằng việc chỉ trích Giáo hoàng Julius II đã dùng cái cớ không đáng tin, bắt ông phải cưới chị dâu mình trong một mưu đồ bất chính. Vua Henry cũng quả quyết rằng ông có quyền kết hôn với bất kỳ ai, dù chỉ dựa trên nền tảng tình ái, hoặc mặc cho nó liên quan đến pháp lý hay bất hợp pháp. Điều này rõ ràng liên hệ tới việc ông muốn cưới Anne Boleyn[27].

Vào năm 1529, vì không nhận được sự đồng thuận từ Giáo hoàng Clement VII, Vua Henry phải sắp xếp Hồng y Thomas Wolsey giải quyết[28], và thế là sắp đặt một phiên tòa tại nước Anh, với mong muốn mời Lorenzo Campeggio như một đại diện của Giáo hoàng tham dự. Nhưng sau cuộc Cướp phá thành Rome năm 1527, Giáo hoàng Clement VII từ chối tham gia chuyện này, một phần vì Catherine chính là dì của Hoàng đế Karl V của Thánh chế La Mã - người tiến hành cuộc cướp phá ở trên. Cuối cùng sau sự kiện "Legatine Trial" diễn ra cùng năm, Giáo hoàng cấm Vua Henry có bất kì hành động hủy hôn nào, Anne Boleyn cùng các kẻ thù của Wolsey tố cáo Wolsey rắp tâm trung thành với Giáo hội La Mã hơn là với bản thân nước Anh, vì vậy tích cực khiến Vua Henry ra quyết định cách đi chức Đại Chưởng ấn của Wolsey vào cuối năm đó. Theo Cavendish, một thân cận của Wolsey ghi lại rằng, dựa theo những gì một người hầu túc trực buổi cơm tối giữa Vua Henry và Anne Boleyn tại Grafton vào năm đó, Anne đã phàn nàn Wolsey là "Một kẻ gây sự ô nhục", cuối cùng khiến Vua Henry ra quyết định cách chức Wolsey trong một chuỗi 「Praemunire」 - một chuỗi hành động chính trị nhằm "thanh tẩy" những ai có ý trung thành với Giáo hoàng mà chống lại Vương quyền của Quốc vương nước Anh có từ thời Edward III của Anh, và lần này lại một lần nữa được khởi động dưới thời Henry VIII[29].

Bức tranh "The Courtship of Anne Boleyn", vẽ bởi Emanuel Leutze vào năm 1846.

Trong khi đó, dân chúng vẫn rất ủng hộ Vương hậu Catherine, dù lúc này Vua Henry đã dần cắt bỏ các đãi ngộ của Catherine và đưa Catherine ra khỏi triều đình. Lúc đó, Anne Boleyn đã được dời thẳng vào trong triều, trở thành "Đệ nhất phu nhân" của triều đình, nhưng việc chưa thể công khai hủy hôn với Catherine vẫn khiến Anne Boleyn không có chính danh. Và điều này có vẻ khiến Anne không hài lòng. Căn cứ theo báo cáo của Đặc sứ Thanh chế La Mã là Eustace Chapuys, vào ngày đầu năm 1531, ông đã tường thuật lại lời của Anne Boleyn rằng:

  • 「"Bà ta (Anne) hi vọng tất cả đám người Tây Ban Nha chôn thây dưới biển... Ngoài ra, bà ta còn nói không hề quan tâm đến Đức Vương hậu hay gia đình của bà, và bà ta (Anne) thà nhìn Đức bà (Catherine) bị treo cổ còn hơn công nhận là Vương hậu và Bà chủ triều đình"」[30].

Vào một buổi chiều mùa thu cũng trong năm 1531, Anne Boleyn đang thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn trên sông Thames, thì đã gần như bị vây đánh bởi một nhóm phụ nữ giận dữ, và Anne chỉ kịp dùng thuyền chạy trốn[31].

Khi Tổng giám mục Canterbury là William Warham qua đời, vị giáo sĩ của nhà Boleyn là Thomas Cranmer được bổ nhiệm thay thế với sự chấp thuận của Giáo hoàng. Năm 1532, Thomas Cromwell trình bày trước Nghị viện một bản "Thỉnh cầu kháng nghị các Giáo mục" và "Đệ trình các Giáo sĩ", theo đó công nhận vương quyền của nhà vua sẽ cao hơn Thánh quyền của các nhà thờ, hoàn thành việc ly khai khỏi La Mã. Tức giận vì quyết định này của nhà vua, Sir Thomas More đã từ chức vị trí Đại Chưởng ấn, để lại cho Cromwell[32].

Kết hôn với nhà vua

Trước cả khi chính thức kết hôn, Anne Boleyn đã có quyền lực đáng kể như có thể có đoàn tùy tùng riêng, nhà ngoại giao riêng và quan trọng hơn hết là sự ảnh hưởng to lớn đến người chồng tương lai, đức Vua Henry VIII. Đặc biệt nhất, bà đã có thể thay nhà vua giải quyết các vấn đề ngoại giao. Sứ giả từ Milan đã viết vào năm 1531, nếu muốn ảnh hưởng lên triều chính nước Anh thì đều phải thông qua Lady Anne Boleyn. Việc này được công nhận bởi đại sứ Pháp, thực tế điều này đã diễn ra vào khoảng vài năm trước khi đại sứ Milan tường trình.

Ngày 1 tháng 9 năm ấy, Vua Henry phong cho Anne Boleyn làm 「Nữ Hầu tước xứ Pembroke; Marchioness of Pembroke」, một tước vị tiền đề để bà có thể trở thành Vương hậu trong tương lai. Trong hệ thống tước vị Anh được phiên dịch ra, các vị "Marchioness" thường được dịch ra ở tiếng Việt nôm na là "Nữ Hầu tước", tuy vậy cách dịch này không chính xác, bởi vì nghe như người nữ giới mang tước vị ấy được hưởng một cách độc lập (như Nữ vươngNữ hoàng). Trong khi thực tế, những "Marchioness" nên được dịch là "Hầu tước phu nhân" hay "Bà Hầu tước", tức người vợ của 1 vị Hầu tước, bởi vì đại đa số phụ nữ Châu Âu đều không thể được chỉ định làm chủ một tước hiệu, trừ phi là người kế vị hợp pháp duy nhất (điều này chỉ thường xảy ra ở Anh và một số nước Đông Âu). Việc Anne Boleyn được thụ phong Hầu tước, là một mình bà sở hữu, trở thành 1 trong 2 trường hợp hiếm vào thế kỉ 16, bên cạnh dì họ của nhà vua là Margaret Pole, Nữ Bá tước Salisbury. Cho nên, Anne Boleyn cùng Margaret Pole mới là những "Nữ Hầu tước" đúng nghĩa. Vào thời điểm ấy, có 3 vị Công tước cùng 2 vị Hầu tước, đều là em rể nhà vua, con riêng của nhà vua cùng hậu duệ vương tộc của các đời trước. Gia đình Boleyn cũng thụ hưởng đãi ngộ đáng có của ngoại thích. Cha của bà, Sir Thomas Boleyn, vốn là Tử tước vùng Rochford, sau kiêm thêm Bá tước xứ Wiltshire, sau đó Vua Henry cũng đi vào thỏa thuận với người họ hàng ở Ireland và thành công ban thêm tước vị Bá tước xứ Ormond cho ông. Trong buổi lễ hoành tráng chúc mừng việc phong tước của cha bà, Anne Boleyn đã đứng trước cả Bà Công tước Suffolk và Norfolk, ngồi trên hàng ghế cao quý ngay bên cạnh nhà vua, một chỗ chỉ dành riêng cho Vương hậu[33]. Và do sự can thiệp của Anne, chị gái bà là Mary Carey nhận một khoảng trợ cấp £100 một năm, và con trai của Mary là Henry Carey đã được Anne bảo hộ và dạy dỗ trong một Tu viện.

Trong thời gian này, Anne Boleyn có vai trò quan trọng trong việc đặt mối liên minh vững chắc giữa Anh và Pháp, bà đã có mối quan hệ tốt với đại sứ Pháp, Gilles de la Pommeraie, và thông qua đó bà cùng Vua Henry đã đến Calais vào mùa đông năm 1532, gặp gỡ Francis I của Pháp và thảo luận. Vua Henry hi vọng bằng việc này, hôn nhân giữa ông và Anne Boleyn sẽ được công nhận trên phương diện quốc tế. Và thảo luận kết thúc khi Pháp vẫn giữ liên minh với Giáo hoàng, cùng ngấm ngàm ủng hộ có điều kiện với trường hợp tái hôn của Henry VIII[34]. Sau khi trở về Dover từ Calais, hai người bí mật kết hôn vào ngày 14 tháng 11 cùng năm[35]. Anne ngay lập tức mang thai, và để cho hôn nhân giữa Catherine xứ Aragon chính thức bị xem là phạm pháp, Anne và nhà vua đã tổ chức một buổi lễ long trọng hậu đám cưới ở London, vào ngày 25 tháng 1 đầu năm sau.

Năm 1533, ngày 23 tháng 5, Thomas Cranmer, thăng tọa Hội nghị tại Tu viện Dunstable, tuyên bố hôn nhân giữa Henry VIII và Catherine xứ Aragon đã không còn giá trị. Sau đó 5 ngày, tức ngày 28 tháng 5, Cranmer tuyên bố hôn nhân giữa Henry và Anne chính thức có hiệu lực[36].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Anne_Boleyn http://www.anne-boleyn.com/ http://www.elfinspell.com/Boleynstyle.html http://www.historyofroyalwomen.com/anne-boleyn/ann... http://www.historytoday.com/susan-walters-schmid/h... http://bobmeades.pages.qpg.com/id29.html http://www.theanneboleynfiles.com/ http://misadventuresofmoppet.wordpress.com/2009/11... http://www.nellgavin.net/boleyn_links/boleynhandwr... http://www.poetry-online.org/boleyn_anne_o_death_r... http://www.worldcat.org/oclc/71370718&referer=brie...